Bạo lực học đường là một hành động vô cùng tồi tệ, nhưng nó lại đang lan nhanh một cách chóng mặt trong giới trẻ. Vậy thì, phải làm sao khi trẻ bị bắt nạt và làm cách nào để biết con mình đang gặp khó khăn tại trường học?
Cách phát hiện hành vi bắt nạt
Trẻ bị bắt nạt thường không nói thẳng cho ba mẹ biết mà giấu giếm đi vì sợ bị đánh nhiều hơn. Vì vậy, cách hỏi con trực tiếp sẽ không hiệu quả. Ba mẹ có thể quan sát các dấu hiệu dưới đây để biết liệu là trẻ bị bắt nạt hay không
- Các dấu vết vật lý không rõ nguyên nhân như bầm tím, trầy xước, gãy xương hoặc vết thương đang hồi phục.
- Trẻ sợ hãi khi phải đi học hoặc tham gia các hoạt động của trường.
- Trạng thái lo âu, căng thẳng, hoặc rất cảnh giác.
- Có ít bạn bè trong hoặc ngoài trường.
- Mất bạn bè đột ngột hoặc tránh né các tình huống xã hội.
- Đồ dùng cá nhân như quần áo, đồ điện tử bị mất hoặc hư hỏng.
- Thường xuyên xin tiền.
- Kết quả học tập giảm sút.
- Nghỉ học hoặc gọi điện cho phụ huynh đến đón từ trường.
- Luôn muốn ở gần người lớn.
- Giấc ngủ không ngon và có thể gặp ác mộng.
- Than phiền về đau đầu, đau dạ dày hoặc các vấn đề sức khỏe khác.
- Thường xuyên buồn bã sau khi sử dụng internet hoặc điện thoại mà không có lý do rõ ràng.
- Trở nên kín đáo bất thường, đặc biệt là về các hoạt động trực tuyến.
- Đột nhiên có hành vi hung hăng hoặc đột ngột bùng phát tức giận.
Phụ huynh cần làm gì khi trẻ bị bắt nạt?
Nếu bạn biết con mình đang bị bắt nạt, bạn có thể thực hiện các bước sau đây để giúp con:
Bước 1: Lắng nghe con bạn với tâm thế cởi mở và bình tĩnh: Bạn cần nói chuyện với trẻ thường xuyên hơn, kiên nhẫn nghe con chia sẻ về những câu chuyện ở lớp, ở trường thay vì thúc ép con nói ra nguyên nhân. Giải quyết vấn đề sớm là tốt, nhưng con sẽ không dễ dàng nói ra việc mình bị bắt nạt vì còn sợ hãi.
Bước 2: Giáo dục con về hành vi bắt nạt: Khi trẻ nhận biết được các hành vi bắt nạt và chịu mở lòng nói với ba mẹ, thì bạn cần thể hiện thái độ tin tưởng và vui mừng. Khi ấy, trẻ sẽ biết rằng những việc mà con đang phải trải qua không phải lỗi của con; và ba mẹ sẽ làm mọi điều có thể để giúp đỡ con.
Bước 3: Liên hệ với giáo viên hoặc trường học: Cả bé và phụ huynh đều không nhất thiết phải tự mình đối mặt với kẻ bắt nạt, vì trẻ bị bắt nạt vốn là một vấn nạn lớn. Bạn nên tìm hiểu xem trường có chính sách hoặc quy định nào để xử lý hành vi bắt nạt, bao gồm cả bắt nạt trực tiếp và trực tuyến.
Bước 4: Luôn ở bên cạnh và hỗ trợ con. Việc có cha mẹ đồng hành là rất quan trọng để con đối phó với tác động của việc bị bắt nạt. Đảm bảo rằng con biết con có thể nói chuyện với bạn bất kỳ lúc nào và hãy trấn an con rằng mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn.
Việc trẻ bị bắt nạt là một vấn đề nghiêm trọng cần được quan tâm và giải quyết kịp thời. Bằng cách lắng nghe, tin tưởng, và hỗ trợ con, bạn có thể giúp con vượt qua những khó khăn này. Việc chống lại bạo lực học đường không chỉ là việc của riêng phụ huynh, bạn nên liên hệ với nhà trường để góp phần tạo dựng môi trường an toàn cho con và cả những đứa trẻ khác. Sự đồng hành của cha mẹ là chìa khóa giúp con cảm thấy được yêu thương và tự tin hơn trong việc đối phó với mọi thách thức trong cuộc sống.