Phải làm sao khi trẻ lạc lõng nơi đông người?

08.07.2024   BTV Trần Diệu
Phải làm sao khi trẻ lạc lõng nơi đông người?

Không phải chỉ có người lớn mới cảm thấy cô đơn, lạc lõng mà tình trạng này đang dần lan rộng đến cả trẻ em. Trẻ cảm thấy lạc lõng nơi đông người và có xu hướng sống khép kín về mặt cảm xúc. Nguyên nhân của hiện tượng này là gì và làm cách nào để giải quyết?

Nguyên nhân nào khiến trẻ lạc lõng nơi đông người?

Dù cho ba mẹ rất tích cực cho con tham gia vào các hoạt động ngoại khóa nhưng trẻ vẫn không thể tạo các mối quan hệ mới, thậm chí con còn thu mình hơn trước. Đó là cảm giác lạc lõng nơi đông người. Cảm thấy cô đơn giữa đám đông có thể là một cảm giác kỳ lạ, nhưng thực ra nó rất phổ biến. Dù được bao quanh bởi những người thân yêu, bạn bè và những người khác, nhưng trẻ vẫn có thể cảm thấy vô cùng cô đơn.

Thiếu cảm giác kết nối

Việc cảm thấy cô đơn giữa một nhóm người có thể là bởi vì cảm giác sợ hãi sâu bên trong chúng ta. Một số bé rất ngại bày tỏ quan điểm cũng như nói lên suy nghĩ của bản thân, bởi vì sợ người xung quanh cảm thấy mình “khác người”, lo lắng những ý tưởng của mình không được chấp nhận. 

tre-lac-long-noi-dong-nguoi-1
Trẻ cảm thấy khó bày tỏ quan điểm

Bên cạnh đó, khi trẻ cảm thấy cô đơn, các bé tự nhiên muốn được người khác vây quanh, được trò chuyện và kết nối với những người xung quanh. Tuy nhiên, nếu những người bạn xung quanh không cho trẻ cảm giác được kết nối, thì thậm chí tình trạng sẽ trở nên tồi tệ hơn. Khi đó, thay vì những người bạn xung quanh thì trẻ có nhu cầu tìm kiếm người lắng nghe mình trên mạng xã hội

Nếu trẻ đã cảm thấy khó tạo dựng mối quan hệ, mà người xung quanh lại liên tục nhắc về chuyện đó thì cũng khiến con bài xích việc kết bạn hơn, hoặc rơi vào tình trạng tự trách. Trẻ dễ dàng nghĩ rằng: “Mình đúng là một kẻ thất bại. Có tới 50 người trong lớp mà không có bất cứ một người bạn nào cả!”. Cảm giác tồi tệ ấy nếu kéo dài sẽ dẫn đến các vấn đề về tâm lý.

Cuối cùng, việc cảm thấy cô đơn ngay cả khi có những người bạn thân thiết, hợp gu xung quanh không phải là không thể xảy ra. Đây là triệu chứng phổ biến của bệnh trầm cảm hoặc lo âu xã hội. Ba mẹ nên trò chuyện nhiều hơn để hiểu thêm về lý do bé cảm thấy lạc lõng.

Nguyên nhân xuất phát từ gia đình

Theo Thạc sĩ tâm lý Trương Thị Thúy Hằng, Trung tâm tư vấn tâm lý Việt Sơn (TP.HCM) chia sẻ, thì những đứa trẻ từng bị ba mẹ ngó lơ, không cho các con đủ sự quan tâm và hỏi han mỗi ngày thì trẻ sẽ dần trở nên nổi loạn và khó kết nối. Trẻ có thể hành hạ bản thân để gây sự chú ý với người lớn, nhằm nhận được sự quan tâm của phụ huynh. Rồi sau khi đã cố tình làm mọi thứ để ba mẹ chú ý mà vẫn chỉ nhận lại sự dửng dưng, thì trẻ em sẽ cảm thấy mất đi sự kết nối với người thân, dần dà tình trạng này còn lan ra cả các mối quan hệ xã hội khác.

tre-lac-long-noi-dong-nguoi-2
Thiếu sự quan tâm từ gia đình

Thạc sĩ còn cho biết thêm, nếu như người trẻ lúc nào cũng cảm thấy cô đơn mà nguyên nhân chính xuất phát từ sự thiếu quan tâm của gia đình, trẻ sẽ dễ trở nên bất cần. Con phớt lờ mọi thứ ba mẹ nói và không hề có bất kỳ mục tiêu nào cho tương lai, nhiều bé có xu hướng buông xuôi mọi thứ, kể cả chuyện học hành. Nếu xử lý không khéo thì mâu thuẫn gia đình sẽ trở nên trầm trọng, khoảng cách của ba mẹ và con cái sẽ càng lớn hơn.

Cần làm gì để trẻ không còn cô đơn?

Đầu tiên, ba mẹ nên ngồi lại nói chuyện với con và đặt ra các câu hỏi:

- Con có thấy cô đơn và muốn tìm bạn đồng hành không? 

- Con có cảm thấy bức bối vì không thể chia sẻ điều gì với ba mẹ không?

- Có phải con đang cố gắng kết bạn mới hay muốn trở nên gắn kết hơn với những người bạn hiện có mà không được hay không?

Khi trẻ thực sự nghiêm túc nghĩ về nhu cầu của mình, con mới có thể học cách đáp ứng nhu cầu của bản thân và xây dựng mối quan hệ tốt hơn với người khác. Ví dụ, trẻ được phép tham gia các hoạt động ngoại khóa có thể gặp gỡ nhiều bạn bè mới nếu con chịu mở lòng, nhưng nếu con muốn tìm kiếm sự hỗ trợ về mặt cảm xúc sâu sắc hơn, thì con nên đi chơi, trò chuyện cùng với những người bạn thân thiết để có thể giải tỏa cảm xúc tốt hơn.

tre-lac-long-noi-dong-nguoi-3
Trẻ cần nghiêm túc suy nghĩ về nhu cầu của bản thân

Để hỗ trợ trẻ tốt hơn trong quá trình ấy, thì Mykingdom đề xuất một số mẹo sau:

Khuyến khích trẻ dành thời gian cho bạn bè và những người thân yêu:  Dành thời gian cho bạn bè và gia đình không chỉ là một nghĩa vụ xã hội mà còn là cách để củng cố và làm sâu sắc thêm các mối quan hệ quan trọng trong cuộc sống. Việc này không chỉ giúp con cảm thấy kết nối hơn mà còn mang lại sự hỗ trợ tinh thần khi cần thiết. 

Cố gắng tìm một nhóm người có chung sở thích. Nếu có thể, bạn hãy cổ vũ con tìm một nơi có những người cùng sở thích tụ tập: ví dụ, một câu lạc bộ sách, hội những người thích boardgame, hội chơi cầu lông... Tham gia vào các nhóm có chung sở thích là một cách tuyệt vời để mở rộng mối quan hệ xã hội và tìm kiếm sự đồng điệu trong cuộc sống. 

Tìm kiếm cơ hội kết nối trực tuyến: Trong thời đại kỹ thuật số, việc kết nối với những người có cùng sở thích không còn giới hạn trong không gian vật lý. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các nhóm trực tiếp, các cộng đồng trực tuyến là một lựa chọn tuyệt vời.

tre-lac-long-noi-dong-nguoi-4
Kết nối với bạn bè, người thân giúp con không còn lạc lõng

Hiện tượng trẻ cảm thấy cô đơn dù ở nơi đông người là một vấn đề đáng quan tâm và cần được giải quyết kịp thời. Sự cô đơn này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý mà còn tác động tiêu cực đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Chỉ khi trẻ nhận được sự hỗ trợ toàn diện từ gia đình, nhà trường và xã hội, cảm giác cô đơn mới dần được xóa nhòa, thay vào đó là niềm vui, sự tự tin và khả năng hòa nhập tốt hơn với môi trường xung quanh.