Sự tích chú Cuội cung trăng vốn là một câu chuyện cổ tích nổi tiếng và quá đỗi thân thuộc với trẻ em Việt Nam. Hình ảnh chú Cuội ngồi dưới gốc cây đa đã trở thành biểu tượng quen thuộc trong văn hóa dân gian, đặc biệt vào mỗi dịp Tết Trung Thu. Câu chuyện không chỉ mang đến những bài học sâu sắc về lòng nhân ái, sự cẩn trọng, mà còn khơi gợi trí tưởng tượng phong phú của bao thế hệ trẻ em.
Tóm tắt ngắn gọn sự tích chú Cuội cung trăng
Sự tích chú Cuội cung trăng bắt nguồn từ một câu chuyện dân gian, Cuội là một chàng trai nghèo, vô tình tìm được một cây thuốc thần có tác dụng “khởi tử hoàn sinh”. Cũng nhờ cây thuốc mà Cuội cưới được một người vợ đẹp, tuy nhiên vì từng bị vỡ đầu nên vợ Cuội mắc chứng hay quên. Một lần nọ, vợ Cuội quên mất lời chồng dặn, phóng uế vào cây thuốc khiến cây cứ vươn cao mãi. Cuội bám vào cây và bay tít lên cung trăng không về được nữa.
Từ đó, Cuội ở lại trên cung trăng cùng với cây thần của mình. Mỗi khi trăng tròn, người ta vẫn thấy hình bóng Cuội ngồi dưới gốc cây đa, nhìn về trần gian. Người xưa truyền lại rằng, mỗi năm, cây đa trên cung trăng chỉ rụng một lá. Ai may mắn nhặt được lá cây ấy có thể cứu người chết sống lại. Những đứa trẻ mỗi khi nhìn thấy trăng tròn lại hát: “Bóng trăng trắng ngà, có cây thuốc quý, có chú Cuội già, ôm một mối mơ…”
Nếu bạn muốn đọc chi tiết hơn thì có thể tham khảo tại: Sự tích Tết Trung Thu cho bé qua lời kể của mẹ
Ý nghĩa sự tích chú Cuội cung trăng
Ngày xưa, khi khoa học chưa phát triển, con người phải dựa vào trí tưởng tượng để giải thích những hiện tượng thiên nhiên chưa thể hiểu rõ. Nhiều câu chuyện cổ tích đã ra đời từ nhu cầu này, như "Sơn Tinh, Thủy Tinh" để giải thích hiện tượng lũ lụt và thay đổi thời tiết, hay "Con Rồng Cháu Tiên" nói về nguồn gốc dân tộc Việt. Câu chuyện "Chú Cuội cung trăng" cũng là một ví dụ điển hình, giúp lý giải hiện tượng khi nhìn lên mặt trăng, chúng ta thấy những vết lõm có hình dạng giống như một người đang ngồi dưới gốc cây đa, đặc biệt rõ ràng vào những đêm trăng tròn, nhất là vào dịp Tết Trung Thu.
Hơn nữa, sự tích chú Cuội cung trăng còn phản ánh ước mơ về sự bất tử của nhân loại. Chi tiết sau khi được hồi sinh thì không thể hoàn hảo như trước thông qua hình ảnh người vợ hay quên cũng nhắc nhở rằng, mọi thứ trên đời đều có giới hạn. Nếu con người cố gắng đi ngược lại quy luật tự nhiên, cái giá phải trả có thể rất đắt, như việc Cuội bị kéo lên cung trăng. Chính sự giới hạn làm cho cuộc sống trở nên quý giá và đáng trân trọng. Vì vậy, thông điệp của câu chuyện là hãy sống một cuộc đời đầy ý nghĩa và nhớ rằng những gì đã mất đi thì khó có thể lấy lại, đây cũng là những bài học đáng quý mà ba mẹ nên dạy cho con mình.
Mỗi khi đêm rằm tháng Tám đến, dưới ánh trăng sáng ngời, những đứa trẻ lại háo hức quây quần bên nhau, nhìn lên trời và tưởng tượng về chú Cuội và cây đa kỳ diệu. Sự tích chú Cuội cung trăng càng làm cho đêm Trung Thu thêm phần thiêng liêng và kỳ diệu. Chuyện về Cuội là biểu tượng của trí tưởng tượng thời xưa, được kể lại cho đến tận ngày nay, mang đến sự gắn kết cho biết bao thế hệ.