Việc nuông chiều con cái không có gì là sai, ba mẹ chỉ đang cố gắng tạo nên một môi trường sống thật thoải mái cho con mình mà thôi. Thế nhưng, khi phụ huynh chiều theo mọi yêu cầu của con mà không có bất cứ giới hạn nào, thì rất dễ tạo thành một đứa trẻ hư, chỉ biết ra lệnh mà không hề biết ơn.
Lý do của hành động nuông chiều con quá mức
Không phải ba mẹ muốn nuông chiều con quá mức, mà đôi khi họ chỉ muốn bù đắp lại những tổn thương trong quá khứ. Theo Amy Morin, nhà trị liệu tâm lý, tổng biên tập trang web Verywell Mind và là tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy nhất nước Mỹ: "Nhiều phụ huynh cảm thấy vui vẻ khi có thể mua mọi thứ cho con. Họ tin rằng việc mua cho trẻ những thứ mà mình không có được khi còn bé là điều thật tuyệt vời.”
Nhiều người tin rằng trẻ em được tận hưởng những kỳ nghỉ sang chảnh, những bữa tiệc sa hoa, những thiết bị công nghệ cao đời mới nhất và những buổi đi mua sắm đồ hiệu sẽ làm nên một tuổi thơ tuyệt vời. Thực tế thì ngược lại, nếu ba mẹ cứ liên tục cung cấp những đặc quyền và tiền bạc thì trẻ em sẽ đánh mất khái niệm giới hạn, trẻ sẽ tiêu xài vô cùng hoang phí và thậm chí thái độ ra mặt khi ba mẹ từ chối yêu cầu của mình.
Bên cạnh đó, một số người nuông chiều con cái với tâm lý bồi thường. Theo nhịp sống hiện đại và cơ sở vật chất ngày càng tăng lên, thì người lớn trở nên đầu tắt mặt tối. Họ phải làm việc liên tục để nuôi sống gia đình và cho con trẻ những điều tốt đẹp nhất. Vậy nên thời gian để bầu bạn với con cái cũng ít đi. Vì không có thời gian ở cùng con, nhiều người chọn cách đền bù cho trẻ bằng cách cho tiền, mua bất cứ thứ gì mà con thích. Việc nuông chiều con cái quá mức như thế này sẽ tạo nên một nhân cách tồi tệ, cũng là cách để phá hủy tương lai của một đứa trẻ.
Ba mẹ nên tránh các kiểu nuông chiều con nào?
Khi ba mẹ không biết cách đối phó với các vấn đề hành vi của con cái, thì rất dễ chọn cách nuông chiều để tránh xung đột. Ví dụ, khi con khóc vì không được đi chơi, thay vì giải thích cho con hiểu thì một số người chọn cách tặng con một món quà, để trẻ không làm ầm ĩ nữa. Điều này làm cho trẻ không học được cách kiểm soát cảm xúc và đối phó với khó khăn. Hành động này sẽ chỉ phá hủy sự tốt đẹp của một đứa trẻ mà thôi.
Nuông chiều con cái không chỉ giới hạn ở việc đáp ứng mọi yêu cầu của con, mà còn có nhiều hành động khác nữa. Ví dụ như cung cấp quá nhiều đồ chơi, quá nhiều buổi đi du lịch hay quá nhiều thiết bị điện tử, bởi vì trẻ em cũng cần có thời gian nghỉ ngơi hợp lý cũng như cần cơ hội để học cách tự giải trí.
Thêm vào đó, ba mẹ cũng không nên giải quyết mọi chuyện cho bé vì điều này có thể cản trở sự phát triển lành mạnh của con. Mỗi khi gặp vấn đề, trẻ sẽ có không gian để suy nghĩ nhằm tìm ra hướng giải quyết. Quá trình này sẽ thúc đẩy sự tự lập và khả năng tư duy vượt trội. Nếu ba mẹ can thiệp hoàn toàn vào việc suy nghĩ của con mà trực tiếp đưa ra kết quả thì cũng là hành động gây hại cho con.
Hậu quả của việc nuông chiều con cái mà không có giới hạn
Nuông chiều trẻ em quá mức có thể dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực. Dưới đây là một phân tích chi tiết về lý do tại sao điều này không tốt cho sự phát triển của trẻ:
Thiếu Hiểu Biết Về Giá Trị Thực Sự
Khi ba mẹ nuông chiều con và cung cấp mọi thứ mà con muốn, trẻ dễ bị nhầm lẫn giữa mong muốn và nhu cầu, dẫn đến suy nghĩ rằng hạnh phúc phụ thuộc vào sở hữu vật chất. Việc này có thể khiến trẻ thất vọng không có được những gì chúng muốn, dẫn đến cảm giác không hạnh phúc và không hài lòng. Còn ba mẹ đối với trẻ, thay vì là người thân thiết nhất lại trở thành một cái máy ATM di động.
Liên Hệ Sai Lệch Giữa Tiền Bạc và Giá Trị Bản Thân
Nếu trẻ có quyền mua mọi thứ mình muốn và được phục vụ như một ông hoàng, con sẽ nhầm lẫn thông điệp rằng giá trị của một người phụ thuộc vào số lượng và chất lượng của cải mà họ sở hữu. Khi trẻ xác định vật chất là biểu tượng của địa vị và giá trị cá nhân, trẻ có thể phát triển tư tưởng cạnh tranh không lành mạnh,rằng mọi việc đều có thể giải quyết bằng tiền.
Thiếu Trách Nhiệm và Tôn Trọng
Khi trẻ có quá nhiều thứ mà không phải nỗ lực để có được, các bé có xu hướng không coi trọng bất cứ thứ gì. Trẻ có thể không quan tâm khi đồ vật bị hỏng hoặc bị mất, dẫn đến thiếu trách nhiệm trong việc chăm sóc tài sản của mình.
Thiếu Kỷ Luật
Nuông chiều quá mức khiến trẻ em tin rằng chúng không cần phải tuân theo các quy tắc. Khi các quy tắc không được áp dụng một cách nhất quán, trẻ sẽ nghĩ rằng chúng nằm ngoài quy tắc và coi mình đặc biệt hơn người khác. Hành động nuông chiều con này sẽ dẫn đến việc trẻ coi mình là người đặc biệt trong xã hội và coi thường pháp luật.
Khó Khăn Trong Cuộc Sống Trưởng Thành
Nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ được nuông chiều quá mức thường phải đối mặt với nhiều vấn đề khi trưởng thành. Trẻ có xu hướng cảm thấy bất mãn, không hài lòng với cuộc sống và gặp khó khăn trong việc kiểm soát bản thân.
Nếu bạn nhận ra rằng mình đang nuông chiều con cái quá mức, thì bạn cần bắt đầu thay đổi hành vi này ngay từ bây giờ. Việc thiết lập lại các quy tắc và giới hạn, từ chối yêu cầu của con khi không cần thiết sẽ giúp trẻ học cách tự lập và phát triển kỹ năng sống cần thiết. Trong quá trình thay đổi này, có thể trẻ sẽ phản đối hay có các hành vi tiêu cực như la hét, đập phá đồ đạc. Tuy nhiên, nếu cha mẹ kiên trì, kiên nhẫn và thấu hiểu, thì bạn có thể giúp trẻ phát triển thành những người lớn có trách nhiệm và tự tin.