Lễ Thất Tịch: Ý Nghĩa và Nguồn Gốc Của Ngày Lễ Tình Yêu

05.06.2024   BTV Trần Diệu
Lễ Thất Tịch: Ý Nghĩa và Nguồn Gốc Của Ngày Lễ Tình Yêu

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Lễ Thất Tịch vốn đã không còn quá xa lạ với chúng ta, được cho là ngày Ngưu Lang Chức Nữ gặp mặt một năm một lần. Ngoài ý nghĩa về tình yêu cảm động trời đất, ngày lễ này còn có những đặc trưng riêng. Bạn hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa của ngày Thất Tịch nhé.

Lễ Thất Tịch là gì?

Ngày 7 tháng 7 Âm lịch hằng năm được xem là ngày Thất Tịch ở một số quốc gia Đông Nam Á, điển hình là Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Lễ Thất Tịch gắn liền với một câu chuyện tình yêu đầy day dứt của Ngưu Lang Chức Nữ từ thuở xưa.

Lễ Thất Tịch tại Việt Nam trước đây được gọi là ngày ông Ngâu bà Ngâu, nguyên nhân là vì vào ngày này thường sẽ xuất hiện mưa ngâu. Người ta cho rằng cơn mưa này là giọt nước mắt hạnh phúc của Ngưu Lang, Chức Nữ khi họ được đoàn tụ.

le-that-tich-1
Lễ Thất Tịch gắn liền với chuyện tình yêu của Ngưu Lang Chức Nữ

Nguồn gốc Lễ Thất Tịch

Ngưu Lang Chức Nữ là câu chuyện nổi tiếng tại Trung Quốc, có rất nhiều dị bản khác nhau. Theo phiên bản được truyền miệng tại Việt Nam thì Ngưu Lang vốn là chàng trai chăn trâu trên trời, chàng còn có tài thổi sáo hết sức tài tình. Còn Chức Nữ là cô nàng dệt vải trên trời, trong một lần tình cờ gặp gỡ, cả hai người đem lòng yêu mến nhau. 

Thế nhưng, Ngưu Lang vì quá say mê Chức Nữ bởi tính tình đảm đang, hiền dịu của nàng nên bỏ bê việc chăn trâu; Chức Nữ cũng mê tiếng sáo của tình lang mà lơ là việc vải. Sau khi chuyện tình của hai người bị phát hiện, Ngọc Hoàng vô cùng tức giận và quyết định ngăn cấm cuộc tình này bằng cách ngăn không cho cả hai gặp gỡ nhau, Ngưu Lang và Chức Nữ bị chia cách, một người ở đầu sông Ngân Hà còn người kia lại ở cuối sông, nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì họ vẫn một lòng sắt son.

le-that-tich-2
Ngưu Lang vốn là chàng trai chăn trâu còn Chức Nữ là cô nàng dệt vải 

Tình yêu của cả hai khiến Ngọc Hoàng cảm động, Ngài cho phép hai người gặp nhau mỗi năm một lần vào ngày 7 tháng 7 Âm lịch. Ngọc Hoàng còn hạ lệnh cho đàn quạ và chim khách tụ với nhau thành cây cầu bắc ngang qua sông Ngân Hà để Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau. Cái tên cầu Ô Thước cũng ra đời từ đây vì hai loài chim này có tên tiếng Hán là chim ô và chim thước.

Đối với Việt Nam, ngày ông Ngâu bà Ngâu không chỉ là ngày cầu chúc cho tình yêu đôi lứa, mà còn là dịp để cầu bình an, con đàn cháu đống. Sự tích của việc cầu con cháu vào ngày 7 tháng 7 Âm lịch xuất phát từ câu chuyện đời vua Lê Thánh Tông (1054 - 1072). Sách sử ghi lại rằng: Nhà vua tuổi đã 42 nhưng vẫn chưa có con để truyền ngôi, vậy nên Ngài đã cầu con tại chùa Hà (Hà Nội) vào ngày 7 tháng 7 Âm lịch, sau đó Ngài thật sự có tin mừng, đó chính là Thái tử Càn Đức.

Ý nghĩa Lễ Thất Tịch

Đối với những người đang yêu, Lễ Thất Tịch là dịp để họ cùng nhau kỷ niệm tình yêu của mình. Đây là thời gian để họ nhìn lại những chặng đường đã qua, những kỷ niệm đẹp và khó khăn mà họ đã cùng nhau vượt qua. Họ cầu mong cho tình cảm của mình luôn bền chặt và vững bền, giống như câu chuyện tình yêu đầy cảm động giữa Ngưu Lang và Chức Nữ. Hình ảnh hai người yêu nhau nhưng bị chia cắt, chỉ được gặp nhau mỗi năm một lần mà vẫn giữ trọn tấm lòng son, thể hiện sự chung thủy và tình yêu bền bỉ vượt qua mọi thử thách. Điều này truyền cảm hứng và nhắc nhở các đôi lứa về tầm quan trọng của lòng chung thủy và sự kiên nhẫn trong tình yêu.

le-that-tich-3
 Lễ Thất Tịch là dịp để kỷ niệm tình yêu 

Đối với những người độc thân, Lễ Thất Tịch là cơ hội để họ cầu duyên, mong muốn tìm được ý trung nhân. Những hoạt động như đến chùa cầu duyên, ăn chè đậu đỏ hay viết điều ước lên các mảnh giấy đều mang ý nghĩa gửi gắm những mong ước về một tình yêu đẹp đẽ và trọn vẹn. 

Phong tục các nước trong ngày Lễ Thất Tịch

Mỗi nước có cách đón Lễ Thất Tịch khác nhau dựa trên đặc trưng văn hóa của từng nơi.

Phong tục ngày Thất Tịch ở Việt Nam

Vào ngày Lễ Thất Tịch, các bạn trẻ Việt Nam không chỉ đến chùa để làm lễ cầu duyên mà còn không thể bỏ lỡ món ăn đặc trưng là đậu đỏ. Vì sao ngày Thất Tịch lại ăn đậu đỏ? Theo quan niệm của người xưa, việc ăn đậu đỏ vào ngày này mang ý nghĩa cầu duyên. Màu đỏ của đậu tượng trưng cho may mắn, nên khi ăn đậu đỏ, người ta tin rằng những ai còn độc thân sẽ tìm được ý trung nhân, còn những ai đang yêu sẽ mãi mãi bên nhau. Do đó, món chè đậu đỏ trở nên cực kỳ phổ biến vào dịp này.

le-that-tich-4
Ăn đậu đỏ vào ngày này mang ý nghĩa cầu duyên

Phong tục ngày Thất Tịch ở Trung Quốc

Ngoài việc cầu Chức Nữ để có được tình duyên và sự khéo léo, người Trung Quốc còn có các phong tục như thả cây kim vào chén nước. Người xưa cho rằng kim thể hiện sự thông minh, nên vào ngày này, các cô gái sẽ thả kim vào chén nước với mong muốn kim không chìm. Nếu kim nổi lên trên mặt nước thì ước nguyện trở nên sáng dạ hơn sẽ được thực hiện.

Phong tục ngày Thất Tịch ở Nhật Bản

Vào Lễ Thất Tịch, người Nhật Bản viết ước nguyện lên những mảnh giấy ngũ sắc hình chữ nhật (tanzaku) và treo lên cành tre, có khi kèm theo các đồ vật trang trí. Những mảnh giấy này có nhiều màu sắc như xanh lục, hồng, vàng, trắng và đen. Sau khi lễ hội kết thúc, cây tre treo những mảnh giấy điều ước sẽ được gỡ xuống và thả trôi trên sông hoặc mang đi đốt.

le-that-tich-5
Người Nhật Bản viết ước nguyện lên những mảnh giấy ngũ sắc hình chữ nhật

Phong tục ngày Thất Tịch ở Hàn Quốc

Trong lễ hội Thất Tịch (Chilseok) ở Hàn Quốc, người dân sẽ tắm mưa và ăn mì, bánh nướng cũng như các món ăn làm từ lúa mì. Thời điểm này, chất lượng lúa mì là cao nhất và vô cùng thơm ngon. Nếu để qua lễ Chilseok mới ăn thì những cơn gió lạnh sẽ làm hỏng hương vị của lúa mì.

Vậy là bạn đã biết các thông tin hữu ích nhất về Lễ Thất Tịch thông qua bài viết này rồi. Mykingdom hy vọng rằng những kiến thức này sẽ giúp bạn hiểu hơn về phong tục và văn hóa của các nước trong khu vực. Chúc bạn có một ngày Lễ Thất Tịch thật vui vẻ và may mắn, tìm được nhiều niềm vui và hạnh phúc bên những người thân yêu.