Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày lễ trọng đại của Việt Nam, được nhân dân cả nước hưởng ứng. Tuy Giỗ Tổ vô cùng phổ biến, nhưng bạn đã biết về nguồn gốc và ý nghĩa lịch sử của ngày lễ này chưa? Nếu chưa thì hãy cùng Mykingdom tìm hiểu nhé.
Giỗ Tổ Hùng Vương ngày mấy?
Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra vào ngày 10/3 Âm Lịch hằng năm. Giỗ Tổ 2024 cũng không ngoại lệ, ngày lễ rơi vào Thứ Năm, 18 tháng 4. Đây là ngày làm việc bình thường nên người lao động sẽ được nghỉ nguyên ngày và hưởng nguyên lương. Tuy nhiên, trường hợp thứ Năm là ngày nghỉ hằng tuần của người lao động thì họ được nghỉ 2 ngày là thứ Năm và nghỉ bù thêm thứ Sáu (Theo khoản 3 Điều 111 Bộ luật Lao động 2019).
Lịch sử Giỗ Tổ hùng vương
Theo bản ngọc phả thời Trần được sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, thì từ thời Hậu Lê trở về trước các triều đại vẫn luôn quản lý Đền Hùng bằng cách giao cho người dân tại vùng ấy trông nom, sửa chữa và cúng bái, bù lại thì triều đình sẽ miễn cho việc đóng sưu, nộp thuế mẫu ruộng, miễn đóng sưu, cũng như miễn đi phu, đi lính. Điều này đã nói lên, từ thế hệ trước, cha ông ta đã có truyền thống Uống nước nhớ nguồn, khắc ghi công lao dựng nước của các vị Vua Hùng.
Đến đời nhà Nguyễn năm Khải Định thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc đã trình bộ Lễ, định ra ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm là ngày Quốc tế (cả nước cúng tế). Tham tri Bùi Ngọc Hoàn, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ, lập bia Hùng Vương vào năm Bảo Đại thứ 15 (1940) cũng xác nhận sự kiện này. Kể từ đó ngày Giỗ Tổ Hùng Vương được chính thức hóa bằng luật pháp và diễn ra vào ngày 10 tháng 3 theo lịch Mặt Trăng.
Ý nghĩa ngày Giỗ Tổ Hùng Vương
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3.
Những câu thơ thân thương như một lời khẳng định về tầm quan trọng của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đối với những người con máu đỏ da vàng. Không chỉ là một ngày lễ trong năm, Giỗ Tổ chính là ngày hội chung của toàn dân tộc Việt Nam. Vào ngày này, mọi trái tim dù đang sinh sống và làm việc ở nơi đâu thì đều có chung một nhịp đập, mọi cặp mắt sẽ hướng về một phía, chúng ta cùng tưởng nhớ về những vị Vua đáng kính có công khai sinh nên đất Việt cũng như các bậc hiền nhân đã vì dân mà giữ lấy đất nước.
Trong ngày lễ, người dân khắp cả nước còn được tham gia vào các hoạt động văn hóa truyền thống, trang nghiêm để thể hiện lòng thành. Vào ngày 6/12/2012, UNESCO chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Điều này đã góp phần nêu lên giá trị của di sản thông qua việc ghi nhớ và thể hiện sự tôn kính với tổ tiên, theo tinh thần Hướng về cội nguồn của dân tộc Việt Nam ta.
Trong 5 tiêu chí đánh giá của các chuyên gia thuộc UNESCO, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất, đó là yếu tố di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, tạo nên tác động to lớn trong việc khích lệ ý thức chung của cả dân tộc. Thật vậy, ngày lễ này còn nêu bật tinh thần đoàn kết, đấu tranh dựng và giữ nước suốt hàng nghìn năm qua của dân tộc.
Lễ hội Đền Hùng năm 2024 diễn ra ở đâu và kéo dài đến khi nào?
Lễ hội Đền Hùng cũng là một phong tục văn hóa rất trân quý của người dân Việt Nam, được tổ chức tại tỉnh Phú Thọ. Lễ Giỗ Tổ kéo dài từ ngày 1 tháng 3 đến hết ngày 10 tháng 3 Âm Lịch, tức là ngày 9 tháng 4 đến ngày 18 tháng 4 Dương Lịch, bạn có thể thu xếp tham gia để cảm nhận được không khí hào hùng của buổi lễ.
Theo kế hoạch được UBND tỉnh Phú Thọ ban hành, Lễ Hội Đền Hùng sẽ gồm phần Lễ và phần Hội.
- Phần Lễ bao gồm: Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Dâng hoa tại Bức phù điêu "Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân tiên phong" sẽ diễn ra vào ngày 18/4/2024 (tức mùng 10/3); Lễ dâng hương tưởng niệm Vua Hùng của các huyện, thị, thành bắt đầu từ ngày 9/4 - 18/4/2024.
- Phần Hội năm nay có khá nhiều hoạt động như chương trình Khai mạc Lễ hội Đền Hùng, Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm Giáp Thìn 2024 và họp báo cung cấp thông tin tuyên truyền vào ngày 9/4 (tức mùng 01/3 âm lịch) tổ chức tại Sân khấu Trung tâm lễ hội - Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Chưa dừng lại ở đó, người dân còn nô nức tham gia các hoạt động được tổ chức trong suốt thời gian diễn ra lễ hội như: Liên hoan văn nghệ quần chúng, dân ca Phú Thọ; trình diễn hát Xoan làng cổ; hay Hội trại văn hóa tổ chức trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; các hoạt động trưng bày hiện vật, di sản tư liệu thế giới, sách báo, tư liệu ảnh; Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy; Hội thi Bơi chải mở rộng...
Phần Lễ của Lễ hội Đền Hùng sẽ được tổ chức một cách trang nghiêm, trọng thể, thành kính và mang tính cộng đồng, song song đó luôn đảm bảo về mặt an toàn, văn minh, tiết kiệm. Còn các hoạt động thuộc phần Hội thì được gắn kết chặt chẽ với các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tạo thành chuỗi hoạt động Tuần Văn hóa - Du lịch; thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo vùng Đất Tổ, đồng thời thu hút lượng lớn khách du lịch để tạo nên thế mạnh về tài nguyên du lịch và văn hóa tỉnh Phú Thọ.
Giỗ Tổ Hùng Vương là dịp để bạn giáo dục các thế hệ sau này về nguồn cội và công ơn lớn lao của các vị Vua Hùng đã tạo nên non sông gấm vóc. Ngày Giỗ Tổ là cơ hội để những người con của đất Việt Nam quảng bá ra thế giới một Di sản vô cùng giá trị, mang tính dân tộc đã tồn tại hàng nghìn năm. Tựa như lời Bác Hồ đã từng căn dặn: Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.