Cách bày mâm cúng rằm tháng 7 tại công ty

07.06.2024   BTV Trần Diệu
Cách bày mâm cúng rằm tháng 7 tại công ty

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Rằm tháng 7, ngày lễ Vu Lan báo hiếu và ngày xá tội vong nhân, là một trong những ngày lễ quan trọng trong văn hóa Việt Nam. Đối với các đơn vị kinh doanh thì việc bày mâm cúng rằm tháng 7 một cách đầy đặn và trang nghiêm là việc vô cùng quan trọng. Bởi vì cúng kiếng trong dịp này không chỉ mang ý nghĩa cầu phúc mà còn để xua đuổi những điều không may mắn. Nếu bạn đang muốn biết nên bày mâm cúng sao cho đúng và đủ thì hãy tham khảo bài viết sau đây nhé.

Một số thông tin về mâm cúng rằm tháng 7

Trước khi hướng dẫn bước vào chi tiết cách bày mâm cúng rằm thì bạn cần xem qua một số lưu ý dưới đây.

Ý nghĩa của mâm cúng rằm tháng 7

Rằm tháng 7, ngày lễ Vu Lan báo hiếu và ngày Xá tội vong nhân, là một trong những ngày lễ quan trọng trong văn hóa Việt Nam. Đây là dịp để con cháu bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên và cầu siêu cho những linh hồn đã mất. Thêm vào đó, việc cúng rằm còn được gọi là cúng thực, mang ý nghĩa bố thí cho những linh hồn vất vưởng. Việc bày mâm cúng rằm tháng 7 thường hướng đến ý nghĩa thứ hai.

mam-cung-ram-thang-7-1
Cúng rằm thàng 7 có ý nghĩa to lớn trong văn hóa Việt Nam

Thời điểm nào thì bày mâm cúng rằm tháng 7?

Rằm tháng 7 năm nay rơi vào Chủ nhật, ngày 18/8/2024. Theo quan niệm dân gian, chúng ta nên tiến hành cúng lễ vào những ngày trước đó, tức từ mồng 2 đến ngày 14 tháng 7 Âm lịch. Theo ông bà ta kể lại, thì Diêm Vương sẽ mở cửa Quỷ Môn Quan để các linh hồn trở về dương giới trong khoảng thời gian này. Ngày 15 âm lịch là thời hạn đóng cửa, các linh hồn phải quay về và không thể nhận đồ cúng nữa. Vậy nên việc cúng sau thời điểm này sẽ không còn hiệu quả.

Nếu lễ Vu Lan báo hiếu thường được thực hiện vào ban ngày, thì lễ cúng cô hồn lại diễn ra vào chiều tối. Không cần chọn ngày đẹp để cúng, chỉ cần đúng thời điểm và chủ lễ có lòng thành tâm thì sẽ được ghi nhận.

Hướng dẫn chuẩn bị mâm cúng rằm tháng 7 đầy đủ

Thông thường, mâm cúng rằm tháng 7 tại công ty hoặc doanh nghiệp sẽ được chia làm 2 mâm: trong nhà và ngoài thời. Mâm trong nhà là cúng các chư vị Phật tổ, Thần linh. Mâm ngoài trời để cúng chúng sinh – cô hồn. Cách chuẩn bị đồ tế lễ như sau:

- Không cúng bằng giấy tiền, vàng mã.

- Không sát mạng chúng sinh để cúng.

- Hoa, quả không kiêng chủng loại và số lượng.

Mâm trong nhà 

Bạn có thể bày lễ trên bàn thờ (nếu có), hoặc bày trên một chiếc bàn và cắm hương vào cốc gạo hoặc chung với lọ hoa.

  1. Cúng Phật

Nếu công ty, doanh nghiệp có thờ Phật tại nơi làm việc thì cần chuẩn bị một mâm cúng riêng cho bàn Phật. Theo triết lý của Phật giáo, mâm cúng không cần phải mâm cao cỗ đầy, mà chủ yếu là cần thành tâm. Chủ lễ chỉ cần thu xếp một mâm cơm chay thanh đạm theo gợi ý dưới đây:

  • Xôi chè các loại
  • Canh rau củ
  • Chả giò chay
  • Đậu hũ xốt cà
  • Rau củ xào
  • Hoa quả tươi
mam-cung-ram-thang-7-2
Mâm cúng Phật trong nhà
  1. Cúng Thần linh

Mâm cúng Rằm tháng 7 hướng đến chư vị Thần linh thì nên là cỗ mặn, trên mâm cúng nên bày các vật tượng trưng là đồ vàng để bày tỏ lòng thành kính và tụ lộc. Bạn có thể chuẩn bị mâm cúng truyền thống như xôi đỗ, gà luộc; gỏi rau củ… hoặc thay thế bằng món kho, món canh tùy vào điều kiện. Cuối cùng là cần có hương, hoa, quả và trà hoặc rượu.

Mâm cúng ngoài trời

Theo tập tục, mâm cúng cô hồn còn gọi là cúng chúng sinh thì không nên làm cỗ mặn như thịt, cá… vì thức ăn mặn sẽ khơi dậy tham - sân - si khiến các vong hồn khó bề siêu thoát, không chịu trở về địa phủ mà sẽ quấy nhiễu trần thế. Mâm cúng rằm tháng 7 tại công ty nên bao gồm:

  • Cháo trắng loãng. Đây cũng là món không thể thiếu trong mâm cúng rằm tháng 7 ngoài trời bởi vì từ xưa có quan niệm những linh hồn bị đày có một thực quản vô cùng nhỏ hẹp, không thể nuốt được đồ ăn bình thường.
  • Một đĩa muối gạo
  • 3 ly nước
  • Ngũ quả
  • Các loại bỏng ngô, bánh kẹo, bim bim
  • Khoai, bắp, đậu phộng luộc… với số lượng tùy ý
  • Giấy tiền vàng mã.
  • Quần áo chúng sinh
  • 2 ngọn nến nhỏ
mam-cung-ram-thang-7-3
Mâm cúng chúng sinh

Đầu tiên, bạn bày mâm lễ trước cửa chính của công ty. Sau đó chủ lễ đọc các bài văn cúng hoặc có thể khấn theo tâm nguyện. Khi kết thúc lễ thì thực hiện nghi thức tiễn vong bằng cách vung gạo, muối ra sân, lề đường. Cuối cùng là đốt vàng mã.

Lưu ý khi thực hiện cúng rằm tháng 7 tại công ty

Ngoài việc chuẩn bị mâm cúng thật chỉn chu theo hướng dẫn bên trên, để đạt được mục đích của mâm cúng và thể hiện tấm lòng thành của mình, chủ lễ cần phải lưu ý thêm một số vấn đề dưới đây:

  1. Trình bày mâm cúng: Mâm cúng không nhất thiết phải đẹp mắt, nhưng cần đảm bảo sạch sẽ và gọn gàng.
  2. Đủ thức, đủ món: Không cần câu nệ theo mâm cúng truyền thống, nhưng nên chuẩn bị đủ các món cần thiết. Tùy vào điều kiện và chi phí để chuẩn bị đồ tế lễ sao cho hợp lý, tránh lãng phí.
  3. Mâm cúng ngoài trời: Ngoài đồ cúng tế bày trên bàn, có thể chuẩn bị thêm một mâm nhỏ với bim bim, bánh kẹo ngọt,... để đặt dưới thấp. Đây là phần dành riêng cho các vong nhi (em bé).
  4. Hoa quả tươi, nhang, nến và trà nước: Mỗi mâm cúng đều cần có đầy đủ các vật phẩm này.
  5. Tục giật cô hồn (ở miền Nam): Sau khi cúng xong, chủ lễ có thể bê mâm cúng ra đường để trẻ con tranh cướp hoặc phân phát tiền bạc cho người sống. Quan niệm cho rằng người giành giật càng đông, đơn vị kinh doanh sẽ càng thêm may mắn, xua đuổi được nhiều điều xui xẻo.
mam-cung-ram-thang-7-4
Rải gạo, muối ra đường để tiễn vong

Trên đây là những hướng dẫn cụ thể để bạn đọc có thể tự chuẩn bị mâm cúng rằm tháng 7 cho công ty một cách tươm tất và trang nghiêm nhất. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là ở lòng thành tâm. Mâm cúng dù giản đơn hay bài bản đều hướng đến mục đích tốt đẹp là tưởng nhớ, cầu siêu và tích đức.