Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương sắp đến gần khiến người người nhà nhà nô nức, các hoạt động ngày Giỗ Tổ Hùng Vương cũng rất được người dân trông đợi. Hôm nay, bạn hãy cùng Mykingdom tìm hiểu xem người dân sẽ tổ chức những sự kiện nào và thờ cúng như thế nào trong dịp lễ trọng đại này nhé!
Các hoạt động ngày Giỗ Tổ Hùng Vương trong Lễ Hội Đền Hùng
Lễ hội Đền Hùng là một phong tục văn hóa đã tồn tại rất nhiều năm, được tổ chức hàng năm tại tỉnh Phú Thọ. Lễ hội được tổ chức xuyên suốt từ ngày 1 tháng 3 đến ngày 10 tháng 3 Âm Lịch, nhằm ngày 9 tháng 4 đến 18 tháng 4 Dương lịch. Trong Lễ Hội Đền Hùng sẽ có 2 hoạt động chính là phần Lễ và phần Hội.
Phần Lễ
Lễ rước kiệu vua: Những người tham gia đám rước kiệu sẽ mặc trang phục truyền thống, tay nâng cờ, hoa và lọng, kiệu rồi bắt đầu xuất phát từ dưới chân núi, sau đó đi qua các đền để đến được nơi làm lễ dâng hương là đền Thượng.
Lễ dâng hương: Rất nhiều người dân tụ tập về Phú Thọ để dâng hương do nhu cầu đời sống tâm linh. Mọi người sẽ thắp hương khi đến đất Tổ và nói lên tâm nguyện của mình, mong được phù hộ và tổ tiên sẽ giúp tâm niệm ấy trở thành sự thật. Đối với người Việt, mỗi gốc cây, mỗi tảng đá hoặc nắm đất ở đất Tổ đề vô cùng linh thiêng, vậy nên bạn có thể dễ dàng thấy được hình ảnh hốc cây, dưới tảng đá cắm đầy chân hương màu đỏ.
Trong số các hoạt động ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, phần Lễ luôn đảm bảo được không khí trang nghiêm, thành kính và được tổ chức trọng thể nhưng vẫn luôn đảm bảo sự an toàn, tiết kiệm và văn minh.
Phần Hội
Các hoạt động phần Hội có mối liên kết chặt chẽ với sự kiện văn hóa, thể thao cũng như du lịch, tất cả tạo thành chuỗi hoạt động Tuần Văn hóa - Du lịch, thu hút một lượng lớn khách tham quan, song song đó còn thể hiện bản sắc văn hóa vùng Đất Tổ.
Phần Hội được tổ chức tại Sân khấu Trung tâm lễ hội - Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Người dân sẽ tham gia các hoạt động đầy thú vị và hào hứng trong phần Hội như Liên hoan văn nghệ và dân ca Phú Thọ, Hội trại văn hóa trưng bày, quảng bá và giới thiệu sản phẩm, trình diễn hát Xoan làng cổ, Hội thi bơi chải mở rộng, Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy,...
Một trong các hoạt động ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: nghỉ lễ
Theo quy định của Bộ luật Lao động, người lao động sẽ được nghỉ lễ 1 ngày vào dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Cụ thể là vào ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch tức 18 tháng 4 Dương lịch, người lao động được nghỉ nhưng vẫn hưởng nguyên lương. Trong trường hợp ngày nghỉ rơi vào cuối tuần thì sẽ được nghỉ bù vào ngày trong tuần kế tiếp.
Thông thường các ngày lễ khác đều được nghỉ cố định theo Dương lịch, riêng đối với Giỗ Tổ Hùng Vương thì nước ta sử dụng lịch âm để xác định ngày nghỉ. Tại Việt Nam, chỉ có 2 ngày lễ được sử dụng lịch âm, đó chính là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương và dịp Tết Nguyên Đán.
Các hoạt động ngày Giỗ Tổ Hùng Vương quả thực vô cùng trang nghiêm và có sức ảnh hưởng to lớn, khiến cõi lòng của mỗi người dân Việt Nam đều nhớ đến những công lao dựng nước vĩ đại của các đời Vua Hùng. Còn bạn, bạn có kế hoạch gì cho ngày lễ quan trọng này?