Đối với trẻ bướng bỉnh, phụ huynh sẽ có nhiều động thái để rèn giũa con. Tuy nhiên, nên tạo môi trường như thế nào để trẻ ngang bướng trở nên ngoan ngoãn, cũng như phát triển một cách đúng đắn thì phụ huynh nên tham khảo bài viết sau đây.
Không nên đặt điều kiện với trẻ bướng bỉnh
Trong quá trình muốn đứa trẻ bướng bỉnh nghe lời, nhiều phụ huynh thường sử dụng chiến thuật "mua" sự hợp tác của trẻ bằng cách đặt điều kiện, ví dụ như nói: "Nếu hôm nay con chăm chỉ làm bài tập, mẹ sẽ mua cho con...". Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có hiệu quả trong thời gian ngắn, vì lần sau, trẻ có thể yêu cầu những điều lớn hơn để ba mẹ thỏa hiệp với yêu cầu được đề ra.
Việc thưởng cho con không nên trở thành một thói quen và chỉ tập trung vào những mong muốn của ba mẹ. Điều quan trọng là cần phải tạo ra một môi trường giáo dục và nuôi dưỡng con một cách cân bằng. Cha mẹ cần thể hiện sự yêu thương và quan tâm đối với con, luôn ở bên cạnh và đưa ra những lời khuyên phù hợp, đồng thời thiết lập quy tắc để giúp con hiểu rằng hành vi tốt sẽ mang lại lợi ích và việc trẻ bướng bỉnh sẽ mang lại những hậu quả như thế nào.
Trẻ sẽ không ngừng đưa ra yêu cầu mới nếu bạn đặt điều kiện
Quan trọng nhất, cha mẹ cần kiên nhẫn và có thể sử dụng các phương pháp giao tiếp hiệu quả để giải quyết xung đột và khuyến khích con phát triển một cách lành mạnh. Ngoài ra, phụ huynh cũng nên xem xét cả các yếu tố khác trong việc nuôi dưỡng trẻ bướng bỉnh một cách toàn diện.
Đừng đáp ứng chỉ vì con mè nheo
Trẻ nhỏ thường có xu hướng mè nheo, khóc lóc vì muốn đòi hỏi ba mẹ mua đồ chơi mới, sử dụng điện thoại,... Đối với nhiều người, việc thỏa hiệp với trẻ và cảnh báo rằng không sẽ không có lần sau là giải pháp dường như hợp lý. Tuy nhiên, hành động này có thể lặp lại và gây khó khăn cho ba mẹ, thậm chí tạo nên một đứa trẻ bướng bỉnh. Vì vậy, để giải quyết tình huống này một cách tốt hơn, thay vì thỏa hiệp thì bạn cần cố gắng đánh lạc hướng hoặc giải thích tại sao con không được đáp ứng nhu cầu này.
Ba mẹ nên giải thích lý do và trò chuyện về những yêu cầu của con
Bạn có thể bắt đầu bằng việc trò chuyện về những điều khác, như câu chuyện, trò đùa hoặc hoạt động thú vị mà con yêu thích. Song song đó, ba mẹ cũng có thể đánh lạc hướng con bằng cách cùng chơi đồ chơi với con, hay tham gia các hoạt động ngoài trời. Phương pháp này sẽ tạo ra một môi trường kích thích và hấp dẫn hơn để con tham gia, và dần dần trẻ sẽ quên đi những yêu cầu ban đầu và bớt mè nheo.
Việc không đồng ý với yêu cầu của trẻ cũng sẽ dần giúp con nhận ra việc mè nheo không có hiệu quả và dừng hành động này lại. Đôi khi, mè nheo và khóc lóc có thể là dấu hiệu của một nhu cầu cụ thể hoặc cảm xúc không thoả mãn. Trong trường hợp này, việc tìm hiểu và hiểu rõ nguyên nhân sau hành vi của trẻ là quan trọng để có thể đáp ứng một cách tốt nhất.
Không nên quát mắng vì con trẻ bướng bỉnh
Mất kiểm soát và quát mắng, trừng phạt con là một phản ứng thường thấy của nhiều phụ huynh khi trẻ bướng bỉnh và không nghe lời. Việc đánh mắng có thể khiến con tạm thời dừng lại, nhưng cũng khiến sự liên kết bền chặt của mối quan hệ trong gia đình biến mất. Thay vì sử dụng hình phạt và lời mắng mỏ, bạn có thể tạo nên một môi trường giao tiếp để thấu hiểu vì sao trẻ bướng bỉnh.
Đừng quát mắng hay hét lên chỉ vì con nghịch ngợm và bướng bỉnh
Trước tiên, ba mẹ hãy trở thành người bạn đáng tin cậy của con. Bằng cách tạo một môi trường an toàn và yêu thương, lắng nghe cảm xúc và đưa ra những lời an ủi kịp thời, phụ huynh sẽ xây dựng được một mối quan hệ tốt đẹp với con. Trẻ em có góc nhìn và cảm xúc của riêng mình, điều bạn cần làm là tạo ra cơ hội cho con để chia sẻ những gì đang xảy ra, lý do con cáu gắt. Khi trẻ cảm thấy được lắng nghe và được thấu hiểu, trẻ sẽ cảm thấy tin tưởng và có thể nói cho ba mẹ biết mọi thứ, qua đó bạn có thể cùng con tìm ra cách giải quyết cho sự ngang bướng của trẻ..
Bên cạnh đó, bạn cũng cần giữ vai trò của người dẫn đường bằng cách thiết lập các quy tắc và hướng dẫn cho con. Bạn có thể tạo ra những quy tắc hàng ngày mà con phải tuân theo, để trẻ nhận biết rõ ràng về những gì được chấp nhận và không được chấp nhận. Bên cạnh đó, hãy khuyến khích và khen ngợi những hành động và hành vi tích cực của trẻ để tạo động lực và khích lệ con phát triển theo hướng tích cực.
Trẻ bướng bỉnh có tính cách mạnh mẽ và dám thể hiện ý kiến của bản thân. Chính vì vậy, nếu bạn có thể tạo ra một môi trường tích cực thì con sẽ phát triển theo chiều hướng đúng đắn, trở thành một nhà lãnh đạo tiềm năng và là một người mạnh mẽ, có thể bảo vệ lập trường của mình. Cách nuôi dạy của ba mẹ sẽ đặt nền tảng cho sự thành công của con trong tương lai.