Tết cổ truyền là dịp thiêng liêng để các gia đình sum họp quây quần bên nhau sau những ngày học tập, làm việc vất vả. Đặc biệt, trong những ngày này sẽ có những phong phục ngày Tết Nguyên Đán vô cùng đặc trưng làm toát lên nét đẹp văn hóa của dân tộc. Vậy những phong tục này là gì? Ba mẹ hãy tạo điều kiện cho bé tìm hiểu một số phong tục ngày Tết Nguyên Đán ý nghĩa trong bài viết sau đây.
Cùng nhau dọn dẹp nhà cửa
Dọn dẹp nhà cửa những ngày cuối năm mang ý nghĩa tiễn năm cũ, đón năm mới. Vì vậy, các gia đình thường cùng nhau quét dọn nhà cửa thật sạch sẽ, khang trang, sắm sửa các đồ dùng, quần áo mới. Bên cạnh đó, đây cũng là lúc để mọi người xem lại các món nợ cần phải trả, nếu có đủ khả năng thì phải thanh toán, xóa bỏ nợ nần để năm mới may mắn, tốt lành.
Ngày Tết ông Công ông Táo
Cúng ngày Tết ông Công ông Táo là một trong những phong tục ngày Tết ý nghĩa. Vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, các gia đình người Việt sẽ dọn dẹp nhà bếp sạch sẽ, chuẩn bị mâm lễ long trọng để cúng ông Công ông Táo. Ba mẹ có thể dạy bé về sự tích ông Táo, cách chuẩn bị lễ cúng để đưa ông Táo về trời để báo cáo với Ngọc Hoàng về tình hình gia đình sau một năm...
Thăm mộ tổ tiên
Từ ngày 23 đến ngày 30 tháng Chạp âm lịch, con cháu thường đi thăm viếng, sửa sang, dọn dẹp mộ tổ tiên để bày tỏ lòng hiếu thảo đồng thời mời ông bà về ăn Tết. Ba mẹ không cần phải dắt bé đi cùng mà chỉ cần giải thích cho con về ý nghĩa của phong tục ngày Tết Nguyên Đán này.
Gói bánh chưng, bánh tét và các món ăn Tết
Gói bánh chưng, bánh tét cũng là một phong tục ngày Tết Nguyên Đán có từ nền văn minh lúa nếp đời Hùng Vương thứ 18. Ở miền Bắc thường gói bánh chưng, bánh dày còn miền Nam hay gói bánh Tét.
Ba mẹ có thể dạy con về sự tích của phong tục này cũng như tổ chức gói bánh để tạo niềm vui và sự gắn kết cho các thành viên trong gia đình. Ngoài ra, ba mẹ cũng có thể giới thiệu những món ăn ngày Tết khác như dưa hành, củ kiệu, canh khổ qua, thịt kho tàu...
Chơi hoa ngày Tết
Vào ngày Tết, người Việt thường mua những cây hoa tượng trưng cho sự may mắn như mai, đào, quất... để xua đuổi tà ma, cầu mong một năm mới vui vẻ, hạnh phúc và thịnh vượng.
Bày mâm ngũ quả
Thêm một phong tục ngày Tết Nguyên Đán không thể thiếu là bày mâm ngũ quả. Mâm ngũ quả tượng trưng cho Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ, 5 yếu tố tạo nên vũ trụ theo quan niệm của Khổng giáo, gắn liền với sự hiếu thảo và mong cầu những điều tốt đẹp, may mắn trong năm mới.
Cúng Tất niên và đón giao thừa
Lễ cúng Tất niên thường diễn ra vào những ngày cuối năm với ý nghĩa mời thần linh, tổ tiên về ăn Tết cùng gia đình. Đồng thời để kết thúc một năm cũ, bỏ hết những ân oán, xui xẻo của năm cũ.
Còn giao thừa là thời điểm chuyển giao giữa năm mới và năm cũ. Lễ cúng giao thừa thường được thực hiện ở ngoài trời để đón năm mới bình an, may mắn. Đây cũng là lúc gia đình ngồi lại với nhau, cùng ăn uống, xem các chương trình ngày Tết và mừng tuổi cho nhau.
Xông đất
Tục xông đất mang ý nghĩa cầu mong sự may mắn, hanh thông trong năm mới. Vào ngày đầu tiên của năm mới, những người có vận may, hợp tuổi với chủ nhà sẽ được mời đến xông đất. Người xông đất phải ăn mặc chỉnh tề, đi hết một vòng quanh nhà để chúc gia chủ một năm vui vẻ, phát đạt.
Chúc Tết và Mừng tuổi
Đây cũng là phong tục ngày Tết Nguyên Đán ý nghĩa của người Việt. Mọi người sẽ đi chúc Tết họ hàng, bạn bè trong những ngày đầu năm mới. Và các con cháu sẽ chúc thọ, mừng tuổi ông bà, ba mẹ và người lớn lì xì cho trẻ nhỏ kèm những lời chúc tốt đẹp. Tiền mừng tuổi thường là những tờ tiền mới, đựng trong bao phong bì đỏ, không quan trọng nhiều hay ít mà quan trọng ở giá trị tinh thần.
Những phong tục ngày Tết Nguyên Đán trên đây phần nào làm toát lên được nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc. Ba mẹ hãy tạo điều kiện để con tìm hiểu và cùng gìn giữ các phong tục này. Chắc chắn bé sẽ có những trải nghiệm, những hoạt động hữu ích và thêm yêu ngày Tết cũng như thắt chặt thêm tình cảm giữa các thành viên trong gia đình. Đừng quên theo dõi các bài viết tại mục Cẩm nang của Mykingdom để tham khảo thêm nhiều thông tin hữu ích khác.