STEAM là kỹ năng mà phụ huynh nào cũng muốn bé nhà mình sở hữu, để con ưu tú và vượt trội hơn, nhanh chóng hội nhập quốc tế. Để xây dựng bộ kỹ năng này, chúng ta có thể bắt đầu từ những bước nhỏ nhất bằng cách tự tạo nên góc kỹ năng STEAM cho con.
Tại sao nên tạo góc kỹ năng STEAM cho con?
Nếu áp dụng phương pháp truyền thống, yêu cầu trẻ học chỉ để ghi nhớ và trả bài cũ thì con sẽ thấy việc học rất nhàm chán, thậm chí cảm thấy áp lực khi đi học. Bởi vì trẻ em học tập nhanh nhất thông qua những điều thường ngày trong cuộc sống, ba mẹ có thể thấy con rất hay bắt chước và học theo hành động của ba mẹ và những người xung quanh mà không cần ai phải giảng dạy.
Phương pháp học truyền thống dễ khiến con bị nản
Việc trang trí góc kỹ năng STEAM tạo cho trẻ môi trường học tập và vui chơi thoải mái, tự do. Trẻ sẽ nhận được giáo dục STEAM phù hợp, kích thích phát triển tư duy toàn diện mọi lúc mọi nơi. Hơn nữa, góc STEAM được trang bị vật dụng phù hợp với độ tuổi sẽ kích thích mong muốn khám phá của trẻ, giúp con không bị chán.
Tiêu chuẩn để tạo góc kỹ năng
- Sắp xếp, trang trí góc kỹ năng STEAM sao cho phù hợp với tầm tay của trẻ.
- Các vật dụng có tính liên kết, đồ dùng của góc này sẽ phục vụ cho góc kia một cách hợp lý, tăng cường khả năng tư duy cho trẻ.
- Chuẩn bị các đồ dùng thí nghiệm và đồ chơi giáo dục gần gũi với trẻ: ly nhựa, giấy màu, các mảnh ghép, khăn tay…….
- Cung cấp các nguyên vật liệu tái chế như nắp nhựa, lõi giấy, bìa carton, chai lọ, đĩa CD, cốc giấy,... để trẻ thực hành.
- Cho trẻ nguyên liệu tạo hình: để phát triển tính nghệ thuật (Art) trong con. cùng các nguyên liệu trong tạo hình: bút sáp, kim tuyến, dây len,...
- Cung cấp các đồ dụng thí nghiệm chuyên nghiệp: cốc chia vạch ml, muỗng đong, cân điện tử, kính lúp…
Bạn cần chuẩn bị góc kỹ năng STEAM phù hợp với trẻ
Gợi ý một số câu hỏi tình huống
Người hướng dẫn có thể sử dụng các vật liệu quen thuộc đó để tạo ra một tình huống trong góc kỹ năng STEAM, ví dụ như:
1. Cô vừa được cho 5 quả táo. Trên bàn có đủ 5 quả táo không nhỉ? (Dạng câu hỏi này yêu cầu trẻ đếm để kiểm tra và suy nghĩ xem tại sao trên bàn lại thiếu táo, từ đó không ngừng đặt ra giả thiết hợp lý để giải quyết lý do thiếu táo)
2. Hai quả táo này thì quả nào to hơn nhỉ? Quả to thì con mang cho bố, còn quả nhỏ thì giữ lại để ăn nhé. (Dạng câu hỏi này yêu cầu trẻ suy nghĩ để so sánh, sau đó giải quyết vấn đề cuối cùng là quả này dành cho ai)
3. Làm thế nào để biết quả táo này nặng bao nhiêu? (Khuyến khích trẻ suy nghĩ và tìm cách cân để tìm khối lượng)
4. Làm thế nào để tạo nên ngôi nhà từ bìa cát tông (Trẻ cần suy nghĩ để tìm ra các bước làm ngôi nhà, đồng thời tìm cách dán để liên kết các mảnh bìa lại với nhau)
5. Cách chia nước trong chai vào ly sao cho nước ở 2 ly bằng nhau (Gợi ý trẻ sử dụng cốc và vạch chia, phát triển kỹ năng sử dụng công nghệ).
Các câu hỏi sẽ kich thích trẻ sử dụng vật liệu để tìm đáp án
Nhìn chung, các câu hỏi và vật dụng trong góc kỹ năng STEAM cần phải đáp ứng được nhu cầu sử dụng để trẻ giải quyết được các tình huống. Ban đầu, các vấn đề chỉ nên gói gọn trong các hoạt động thường ngày, sau đó thì người hướng dẫn sẽ dần mở rộng chủ đề theo hướng vĩ mô để trẻ không ngừng mài giũa tư duy và khả năng xử lý tình huống hiệu quả.