Lòng biết ơn là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến nhân cách của con người. Do đó, ngoài việc giúp trẻ phát triển trí tuệ và thể chất, ba mẹ nên dạy bé về lòng biết ơn. Một đứa trẻ có lòng biết ơn sẽ có xu hướng suy nghĩ những điều tích cực, gia tăng hạnh phúc, biết hòa nhập với xã hội và dễ dàng thành công hơn. Để tìm hiểu rõ hơn về lợi ích của việc dạy bé lòng biết ơn, mời ba mẹ tham khảo bài viết sau đây:
Lòng biết ơn là gì?
Lòng biết ơn là một cụm từ vô cùng quen thuộc với mỗi người trong cuộc sống. Chúng ta thường biết đến lòng biết ơn cha mẹ, ông bà, biết ơn thầy cô giáo, biết ơn những người đã giúp đỡ khi mình gặp khó khăn... Như vậy, lòng biết ơn chính là sự ghi nhớ, trân trọng những thứ có giá trị hay ý nghĩa mà mình nhận được từ người khác.
Bạn sẽ cảm thấy biết ơn khi cảm kích một điều tốt đẹp hay mang ơn một ai đó. Và bạn sẽ đáp lại bằng một tấm lòng bao dung hay thể hiện bằng những hành động tử tế. Chẳng hạn như bạn thể hiện lòng biết ơn ba mẹ, thầy cô đã chăm sóc, dạy dỗ bằng những bó hoa tươi thắm hay món quà thiết thực và ý nghĩa.
Những từ đồng nghĩa với lòng biết ơn là nhớ ơn, ghi ơn, mang ơn, đội ơn, cảm kích, tri ân... Còn trái nghĩa với lòng biết ơn là vô ơn, vong ơn bội nghĩa, bội bạc...
Những lợi ích của việc dạy bé về lòng biết ơn
Trẻ có suy nghĩ tích cực, sống lạc quan, hạnh phúc
Theo một số nghiên cứu, các chuyên gia đã nhận thấy mối liên quan trực tiếp giữa sức khỏe tốt và lòng biết ơn. Những người có lòng biết ơn sẽ hình thành suy nghĩ tích cực, sống lạc quan, yêu đời. Đồng thời giảm tình trạng căng thẳng, lo âu, tăng cường khả năng miễn dịch và cải thiện sức khỏe tốt hơn.
Cụ thể, những người tham gia nghiên cứu được chia thành 2 nhóm. Trong đó nhóm thứ nhất được yêu cầu viết ra những điều họ cảm thấy biết ơn, còn nhóm thứ hai viết về những điều họ cảm thấy khó chịu. Sau 10 tuần, những người nhóm thứ nhất cảm thấy lạc quan hơn, tập thể dục nhiều hơn so với nhóm còn lại. Như vậy, lòng biết ơn thật sự có tác động tích cực đến suy nghĩ của trẻ.
Duy trì và phát triển các mối quan hệ xã hội
Đây là lợi ích tiếp theo của việc dạy bé về lòng biết ơn. Khi trưởng thành, trẻ sẽ biết cách duy trì và phát triển các mối quan hệ xã hội.
Theo một nghiên cứu của Sara Algoe, Tiến sĩ, Đại học Bắc Carolina đã cho thấy việc thể hiện lòng biết ơn và sự đánh giá cao với những người xung quanh mang lại lợi ích sức khỏe đối với cả bản thân và chính người đó. Có nghĩa là lòng biết ơn sẽ giúp xây dựng và nuôi dưỡng mối quan hệ tốt đẹp.
Xây dựng tính cách mạnh mẽ
Trẻ em luôn có sự hứng thú với những điều mới mẻ. Chúng sẽ tiếp nhận mọi thứ mà chúng nghe được, thấy được. Do đó, ba mẹ cần dạy bé về lòng biết ơn và cách cư xử lịch sự ngay từ nhỏ. Điều này giúp trẻ hình thành tính cách mạnh mẽ, có phép tắc.
Theo ean Piaget, một chuyên gia về phát triển trẻ em cho biết, trẻ từ 2-7 tuổi là giai đoạn tốt nhất để dạy cách cư xử. Bởi đây là độ tuổi mà trí tuệ trực quan được hình thành. Trẻ sẽ hiểu được giá trị của sự tôn trọng, đồng cảm và công bằng.
Có thể thấy việc dạy bé về lòng biết ơn là điều cần thiết để trẻ hình thành đức tính tốt cũng như thái độ lạc quan, yêu đời. Hi vọng bài viết trên sẽ giúp các phụ huynh hiểu hơn những lợi ích của việc dạy bé về lòng biết ơn. Đừng quên theo dõi mục "Cẩm nang" của Mykingdom để tìm hiểu thêm nhiều bài viết khác.