Bất cứ đứa trẻ nào cũng cần phải học và rèn luyện kỹ năng chia sẻ ngay từ nhỏ. Kỹ năng này sẽ giúp trẻ dễ dàng kết bạn, duy trì tình bạn với những người xung quanh. Đồng thời tăng cường sự hợp tác trong quá trình vui chơi, học tập và làm việc.
Dưới đây là mức độ nhận thức về sự chia sẻ của trẻ theo từng độ tuổi. Ba mẹ nên "nằm lòng" để có thể dạy trẻ kỹ năng chia sẻ hiệu quả nhất.
Mức độ hiểu về sự chia sẻ của trẻ theo từng độ tuổi
Trẻ mới biết đi
Ở giai đoạn này, trẻ chưa hiểu được sự chia sẻ là gì. Trẻ đang thấy mình là trung tâm của vũ trụ, mọi thứ xung quanh đều thuộc về trẻ. Do đó, khi thấy một đứa trẻ khác có món đồ chơi gì đó, thay vì đợi đến lượt trẻ thường tìm mọi cách để lấy hoặc sẽ ăn vạ nếu không có được.
Việc áp dụng quy tắc "hậu quả khi không chia sẻ" đối với trẻ mới biết đi hầu như không có tác dụng. Thay vào đó, ba mẹ nên khuyến khích trẻ biết chia sẻ và thực hành thường xuyên để tạo thói quen tốt.
Trẻ mầm non
Khi trẻ lên ba, trẻ bắt đầu hiểu về sự chờ tới lượt, thay phiên hay chia sẻ với những người khác. Nhưng cơ bản trẻ vẫn đang trong quá trình học hỏi nên việc nắm bắt suy nghĩ và cảm xúc của người khác còn rất khó khăn. Do đó, trẻ vẫn chưa thể chia sẻ một cách dễ dàng cũng như chưa đủ kiên nhẫn để chờ tới lượt mình.
Cách dạy trẻ kỹ năng chia sẻ ở độ tuổi này là ba mẹ quan sát hành động của con, khen ngợi khi trẻ biết chia sẻ hay chờ tới lượt. Đồng thời đừng quên giải thích cho trẻ hiểu về sự công bằng và chia sẻ. Chẳng hạn như hỏi trẻ cảm thấy thế nào khi bị bạn lấy đồ chơi hay không cho con chơi khi tới lượt.
Trẻ bắt đầu đi học
Khi trẻ bắt đầu đi học, trẻ đã hiểu được cảm giác của người khác. Vì vậy trẻ sẵn lòng đợi tới lượt mình hay dễ chia sẻ hơn. Tuy nhiên với những món đồ chơi yêu thích thì việc chia sẻ vẫn còn rất khó khăn.
Bên cạnh đó, trẻ cũng ý thức về sự công bằng và không muốn chia sẻ đồ chơi hay tham gia trò chơi nếu nghĩ rằng mình không được đáp lại hay chiến thắng một cách công bằng. Ba mẹ có thể dạy trẻ chia sẻ bằng cách kiểm tra lại quy tắc của trò chơi và trấn an rằng tất cả sẽ được tham gia.
Hơn nữa, trẻ ở độ tuổi đi học cùng kiên nhẫn và bao dung hơn. Trẻ sẽ muốn làm những việc đúng đắn và có thể xây dựng các mối quan hệ phức tạp hơn. Ở độ tuổi này, trẻ cũng có nhiều cơ hội để thực hành việc chia sẻ như cho bạn mượn đồ dùng học tập...
Một số cách dạy trẻ kỹ năng chia sẻ ba mẹ nên tham khảo
Mặc dù nhận thức về sự chia sẻ của trẻ nhỏ còn mơ hồ. Nhưng không vì vậy mà ba mẹ không thể dạy trẻ kỹ năng chia sẻ. Dưới đây là một số cách dạy trẻ kỹ năng chia sẻ ba mẹ có thể tham khảo.
Dạy trẻ biết chia sẻ bằng đồ chơi
Những món đồ chơi là cơ hội chia sẻ đầu tiên mà bé có thể thực hiện. Ba mẹ hãy tập cho trẻ thói quen chờ đến lượt khi tham gia trò chơi. Ví dụ như ba mẹ và bé thay phiên nhau hứng banh với đồ chơi Trạm thu hoạch banh vui nhộn. Hoạt động này vừa giúp trẻ rèn luyện khả năng nhanh tay lẹ mắt, vừa dạy trẻ biết chia sẻ khi chơi.
Dạy trẻ kỹ năng chia sẻ sở thích
Ngoài đồ chơi, ba mẹ cũng có thể dạy trẻ biết chia sẻ những sở thích cùng nhau. Chẳng hạn như cho trẻ chơi với chiếc chìa khóa của bạn, uống nước từ chiếc cốc yêu thích của bạn, hay thử chiếc áo mà bạn thường mặc. Việc chia sẻ sở thích này sẽ giúp trẻ hình thành khái niệm chia sẻ hiệu quả.
Cả nhà cùng tham gia trò chơi
Đây cũng là cách dạy kỹ năng chia sẻ đơn giản mà hiệu quả. Ba mẹ có thể rủ bé tham gia các trò chơi đóng vai, chơi rút gỗ, chơi bột nặn Playdoh... Hãy để trẻ thấy rằng khi chia sẽ thì sẽ có nhiều người chơi cùng và những giờ chơi cũng vui vẻ hơn.
Vừa rồi là những thông tin về kỹ năng chia sẻ của trẻ theo từng độ tuổi. Hi vọng ba mẹ có thể áp dụng những cách dạy trẻ kỹ năng chia sẻ thật hiệu quả. Đừng quên theo dõi chuyên mục "Cẩm nang" của Mykingdom để có thêm nhiều thông tin hữu ích khác ba mẹ nhé!