Một mùa xuân mới nữa lại về, mọi người lại có dịp quây quần đầm ấm bên nhau. Trẻ con lại được xúng xính quần áo mới, được du xuân cùng ba mẹ, đi chúc Tết ông bà, họ hàng, thưởng thức nhiều món ăn cổ truyền hấp dẫn... Và đặc biệt, vào những ngày đầu năm, các bé sẽ được nhận thật nhiều bao lì xì đỏ thắm.
Thế nhưng, có không ít tình huống "dở khóc dở cười" xảy ra khi bé nhận lì xì. Có bé quên cảm ơn người lì xì, có bé vừa nhận đã mở ra ngay trước mặt, thậm chí có bé còn chê tiền lì xì quá ít... Để Tết thật trọn vẹn, cả nhà đều vui, ba mẹ hãy giúp trẻ hiểu hơn về phong tục lì xì ngày Tết và dạy trẻ cách ứng xử đúng mực khi nhận lì xì từ người lớn.
Giải thích trẻ hiểu ý nghĩa phong tục lì xì ngày Tết
Lì xì ngày Tết là một phong tục tập quán lâu đời của các nước Á đông và Việt Nam. Nguồn gốc của tục lệ này cũng có rất nhiều câu chuyện. Chuyện kể rằng, ngày xưa ở vùng Đông Hải xuất hiện nhiều yêu quái gây hại cho người dân. Các vị tiên ở hạ giới phải thường xuyên canh giữ. Tuy nhiên, vào thời điểm giao thừa hàng năm, khi các vị tiên về trời, yêu quái lại bắt đầu tác oai tác quái. Bọn chúng lẻn vào những nhà có trẻ nhỏ, quấy nhiễu và gây bệnh tật cho trẻ.
Một lần có 8 vị tiên đi ngang qua một nhà nọ thấy vậy liền hóa thành những đồng tiền nằm cạnh những đứa trẻ. Cha mẹ của những đứa trẻ đã gói đồng tiền vào tấm vải đỏ đặt dưới gối. Yêu quái khi thấy đồng tiền sáng chói liền sợ hãi biến mất.
Ngày nay, lì xì Tết cũng đã có nhiều thay đổi với nhiều phong cách lì xì mới lạ. Bên cạnh những phong bao đỏ thắm, người lớn cũng thường trao cho bé những món quà mang ý nghĩa thiết thực và ý nghĩa hơn. Tùy vào tính cách và sở thích mà lì xì cho bé những món quà phù hợp. Đó có thể là một chiếc xe đạp mới, một cuốn sách hay hay một món đồ chơi thông minh cho bé... Dù là món quà gì thì ý nghĩa của tục lì xì vẫn không thay đổi, người lớn trao quà lì xì cho trẻ nhỏ với ý chúc khỏe mạnh, học giỏi, mau ăn chóng lớn.
Để dạy trẻ cách ứng xử đúng mực khi nhận lì xì Tết, ba mẹ cần giúp trẻ hiểu tiền lì xì chỉ mang ý nghĩa tinh thần, thể hiện tình cảm yêu mến của người lớn dành cho trẻ, với mong muốn bé luôn khỏe mạnh, chơi vui, học giỏi. Còn mừng tuổi cho những người lớn tuổi hơn sẽ mang ý nghĩa cầu chúc nhiều sức khỏe, sống lâu vui vẻ bên con cháu.
Dạy trẻ cách ứng xử đúng mực khi nhận lì xì Tết
Dạy bé biết cảm ơn khi nhận lì xì
Ba mẹ hãy giúp trẻ hiểu khi nhận được lời chúc, tình cảm yêu mến từ người khác thì bản thân trẻ cũng phải chia sẻ niềm vui và sự may mắn đến với người đối diện. Vì vậy, khi dạy trẻ cách ứng xử ngày Tết thật lễ phép khi nhận lì xì trước hết là bé phải biết nói cảm ơn. Bên cạnh đó, ba mẹ hãy hướng dẫn bé luôn nhận đồ bằng hai tay khi người lớn đưa và nói cảm ơn mà không cần ba mẹ nhắc nhở.
Dạy bé không nên mở lì xì ngay khi nhận
Để tránh những tình huống khó xử khi nhận lì xì Tết như bé mở bao lì xì ngay khi nhận, chê bai tiền lì xì ít... ba mẹ cần giải thích cho bé hiểu lì xì chỉ mang ý nghĩa chúc may mắn, vui vẻ chứ không phải ở giá trị của số tiền. Đồng thời, ba mẹ hãy thường xuyên dạy trẻ cách ứng xử khéo léo để con thực hành ngay cả khi không có ba mẹ bên cạnh nhắc nhở.
Dạy trẻ chúc Tết đơn giản, ý nghĩa
Ba mẹ có thể suy nghĩ ra vài câu chúc đơn giản, dễ nhớ mà ý nghĩa để bé học theo. Chẳng hạn, khi chúc ông bà thì chúc sức khỏe dồi dào, sống lâu trăm tuổi; khi chúc cô chú thì năm mới phát tài, vạn sự như ý... Bên cạnh đó, ba mẹ hãy giúp bé hiểu khi nhận được những lời chúc Tết của bé mọi người sẽ cảm thấy rất vui vẻ.
Hướng dẫn trẻ cách quản lý và sử dụng tiền lì xì Tết
Khi nhận được tiền lì xì, hầu hết trẻ nhỏ đều rất hào hứng và có thể lên nhiều kế hoạch để tiêu tiền vào những món đồ mình yêu thích. Để tránh bé sử dụng lãng phí, ba mẹ hãy chia sẻ với trẻ những bí quyết sử dụng số tiền mừng tuổi hợp lý. Đây cũng là thời điểm thích hợp để dạy trẻ kỹ năng quản lý tài chính trong tương lai.
Sử dụng tiền lì xì cho các món đồ thiết thực
Thay vì tìm cách "tịch thu" khoản tiền lì xì của trẻ, ba mẹ nên trao đổi rõ ràng rằng trẻ sẽ được toàn quyền sử dụng số tiền lì xì một cách hợp lý. Chẳng hạn, trẻ có thể dùng lì xì để mua bộ đồ chơi LEGO lắp ráp, chiếc máy bay điều khiển mà con thích, mua sách vở, các đồ dùng học tập cần thiết... Với số tiền còn lại, ba mẹ nên khuyến khích con bỏ "ống heo" để dùng cho những khoản chưa có kế hoạch hoặc góp sức mua một món đồ trong gia đình. Chắc chắn các bé sẽ rất sẵn lòng và cảm thấy rất vui.
Lên kế hoạch chi tiêu cho cả năm
Có không ít gia đình, tiền lì xì mà bé nhận được sẽ là số tiền tiêu vặt cho cả năm. Ba mẹ có thể hướng dẫn bé lên kế hoạch hàng tháng để bé có thể tính toán hợp lý cho các khoản chi tiêu của mình.
Sử dụng tiền lì xì cho các hoạt động từ thiện
Bên cạnh những chi tiêu cá nhân, tiền lì xì có thể được sử dụng với ý nghĩa tốt đẹp hơn đó là từ thiện. Ba mẹ có thể khuyến khích con dùng một phần trong tiền lì xì để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn trong xã hội. Đây cũng là thời điểm tốt dạy trẻ cách ứng xử về sự hào phóng và lòng nhân ái mà ba mẹ có thể tham khảo.
Những ngày Tết Tân Sửu 2021 đang đến rất gần rồi. Bên cạnh việc chuẩn bị, sắm sửa thật đủ đầy cho cả nhà, ba mẹ đừng quên dạy trẻ cách ứng xử đúng mực trong những ngày Tết nhé. Hiểu được nguồn gốc của lì xì và biết ứng xử tinh tế với mọi người sẽ giúp trẻ ngày một trưởng thành hơn.