Những điều mẹ có thể dạy con về ngày Tết ông Công ông Táo

06.06.2023   BTV phuong.ngothikim
Những điều mẹ có thể dạy con về ngày Tết ông Công ông Táo

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp là người dân Việt Nam lại tất bật sửa soạn mâm lễ cúng tiễn ông Công ông Táo về trời. Đây là một trong những phong tục tập quán đẹp của dân tộc được lưu truyền và gìn giữ từ bao đời nay.

Vậy ngày Tết ông Công ông Táo có nguồn gốc từ đâu? Ý nghĩa của Tết ông Công ông Táo là gì? Ba mẹ có thể giúp bé tìm hiểu rõ hơn về ngày lễ độc đáo này cũng như dạy con về văn hóa dân tộc, những bài học hay về tình yêu, tình thân, tình người... trong bài viết sau đây.

Nguồn gốc Tết ông Công ông Táo, bài học sâu sắc về tình người

Theo tín ngưỡng dân gian của người Việt, ông Công, ông Táo gọi chung là Táo Quân, có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ. Sự tích Táo Quân kể về câu chuyện 2 ông 1 bà: thần Đất, thần Nhà, thần Bếp.

Chuyện kể rằng, ngày xưa có hai vợ chồng nghèo, chồng tên là Trọng Cao, vợ là Thị Nhi, mặc dù lấy nhau đã lâu nhưng vẫn chưa có con. Một ngày nọ, vì một chút chuyện nhỏ mà Trọng Cao đánh vợ rồi đuổi đi. Thị Nhi lang thang đến một xứ khác, gặp Phạm Lang. Hai người tâm đầu ý hợp rồi kết duyên vợ chồng.

Về phần Trọng Cao, sau khi nguôi giận thì cảm thấy ân hận nên đã lên đường tìm kiếm vợ. Anh đi hết ngày này qua tháng nọ mà vẫn chưa tìm thấy vợ. Hết gạo, hết tiền, Trọng Cao trở thành kẻ ăn xin dọc đường. Cuối cùng, anh tình cờ vào xin ăn đúng ngay nhà vợ mình. Thị Nhi nhận ra chồng cũ, thấy thương tình nên mời vào nhà nấu cháo cho ăn. Đúng lúc này, Phạm Lang trở về nhà. Thị Nhi sợ chồng nghi oan nên giấu Trọng Cao dưới đống rạ sau vườn.

Chẳng may, tối hôm đó Phạm Lang nổi lửa đốt đống rạ để lấy tro bón ruộng. Thấy vậy, Thị Nhi lao mình vào đám lửa đang cháy để cứu Cao. Phạm Lang cũng nhảy vào theo vì thương xót vợ. Cả ba đều qua đời thương tâm.

Ngọc Hoàng thấy ba người sống có tình có nghĩa nên phong làm Định phúc Táo Quân. Trong đó, Phạm Lang là Thổ Công trông coi việc trong bếp, Trọng Cao là Thổ Địa cai quản việc trong nhà, còn Thị Nhi là Thổ Kỳ trông nom việc chợ búa.

Phong tục thờ cúng ngày Tết ông Công ông Táo

Các vị Táo Quân theo dõi và ghi chép những việc tốt - xấu của con người. Cứ vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, các vị thần này sẽ cưỡi cá chép lên Thiên đình và tâu tất cả việc của gia chủ với Ngọc Hoàng trong suốt một năm qua. Thiên đình sẽ dựa vào đó để định đoạt công tội.

Vì vậy, vào ngày 23 tháng Chạp, người Việt thường làm lễ tiễn long trọng với mong muốn được các vị Táo Quân phù hộ cho gia đình một năm mới đầm ấm, hạnh phúc, xua đuổi điều xui xẻo và mang lại may mắn.


Cần chuẩn bị gì cho ngày Tết ông Công ông Táo?

Mâm cỗ Tết ông Công ông Táo không thể thiếu ba bộ mã, hai bộ dành cho hai Táo ông và một bộ dành cho Táo bà. Bên cạnh đó, mọi người sẽ chuẩn bị hương, hoa, quả, oản, cau, trầu cùng mâm cỗ có xôi, gà, nem, giò, canh miến... Tùy theo phong tục của từng vùng miền, địa phương mà vật phẩm, món ăn, hoa quả trong mâm lễ Tết ông Công ông Táo khác nhau. Sau lễ cúng ông Công ông Táo, người ta đem đi hóa mã.

Ý nghĩa của phong tục cúng Tết ông Công ông Táo và phóng sinh cá chép

Cá chép được cho là phương tiện duy nhất để tiễn ông Táo về trời. Vì vậy, mọi người thường chuẩn bị một đôi hoặc 3 con cá chép sống, thả trong chậu nước và cúng cùng các đồ lễ khác.

Sau khi cúng ông Công ông Táo, cá chép sẽ được thả ở sông, ao, hồ để phóng sinh. Hành động này mang ý nghĩa cá chép hóa rồng, vượt vũ môn, biểu tượng cho sự thăng hoa, tinh thần vượt khó, đức tính kiên trì để đạt được thành công.

Hơn nữa, việc phóng sinh cá chép trong ngày Tết ông Công ông Táo còn là hành động mang tính nhân văn, thể hiện tâm từ bi, hạn chế sát sinh.

Ngày Tết ông Công ông Táo là một nét đẹp văn hóa của người Việt trong những ngày cuối năm. Ba mẹ hãy tạo điều kiện cho bé hiểu hơn về phong tục văn hóa của dân tộc, những bài học về tình yêu, tình cảm gia đình... qua ngày lễ thú vị này. Đừng quên theo dõi các bài viết tại mục Cẩm nang của Mykingdom để tham khảo thêm nhiều thông tin hữu ích khác.