Dạy con chia sẻ là một trong những điều ba mẹ nên dạy con từ nhỏ. Điều này không chỉ tạo điều kiện để trẻ hòa đồng, vui chơi cùng bạn bè mà còn giúp trẻ hiểu biết về lòng tốt và sự hào phóng. Tuy nhiên, trẻ nhỏ ở độ tuổi từ 3-6 tuổi thường có tính sở hữu cao và không thích nhường đồ chơi cho bạn bè. Thậm chí, trẻ còn xảy ra tranh chấp với các bạn khác nữa.
Khi gặp phải tình huống này, ba mẹ đừng vội vàng trách con ích kỷ kẻo gây ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Thay vào đó, ba mẹ hãy áp dụng những bí quyết xử lý thông minh để dạy con chia sẻ đồ chơi với bạn bè ngay sau đây.
Trẻ cần sự thấu hiểu hơn là chỉ trích và buộc tội
Việc trẻ không cho bạn mượn đồ chơi là kết quả của sự phát triển nhận thức nhất là từ 2-3 tuổi. Lúc này, trẻ đã có thể biết rõ đồ chơi, đồ dùng nào là của mình và cho rằng những người khác không được đụng vào. Bên cạnh đó, trẻ vẫn chưa hiểu được rằng, nếu cho bạn mượn đồ chơi thì quyền sở hữu món đồ chơi này vẫn không thay đổi. Vì vậy, trẻ sẽ không muốn chia sẻ đồ chơi với bất cứ ai dù được ba mẹ nhắc nhở.
Ngoài ra, nhiều trẻ cảm thấy lo sợ khi cho bạn mượn đồ chơi thì sẽ bạn không trả lại. Do vậy, việc trẻ không cho bạn mượn đồ chơi cũng chưa thể nói lên rằng trẻ ích kỷ, ky bo. Nên ba mẹ cũng không nên quá lo lắng hay buông lời chỉ trích, trách mắng con.
Không nên ép buộc trẻ chia sẻ
Đôi khi vì những lễ nghĩa xã giao giữa người lớn mà ba mẹ ép con phải chia sẻ hay nhường đồ chơi cho bạn khác. Việc này vô tình gây ra những ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của trẻ. Thậm chí trẻ còn có những suy nghĩ và hành động cực đoan như cho rằng ba mẹ không yêu mình nữa, ba mẹ đang trách phạt mình hay bé thà phá hủy đồ chơi chứ không chịu chia sẻ... Những điều này đều không tốt trong việc xây dựng lòng tự tin ở trẻ. Ba mẹ cần hiểu rằng, quyền sở hữu đối với trò chơi cũng là một loại quyền giúp trẻ khẳng định bản thân của mình.
Tôn trọng ý muốn của trẻ
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ không muốn chia sẻ đồ chơi với người khác. Đó có thể là vì món đồ chơi này rất quan trọng với trẻ, đồ chơi mới hay đồ chơi an ủi. Đôi khi đơn giản là trẻ không muốn chia sẻ với một bạn nào đó, hay tâm trạng của trẻ không được tốt... Tốt nhất là ba mẹ nên tôn trọng ý muốn của trẻ, hãy để trẻ tự giải quyết và người lớn không nên can thiệp.
Vui vẻ chính là tiền đề của sự chia sẻ
Hành động chia sẻ được xây dựng trên cơ sở lòng tin giữa mọi người với nhau và ở trẻ nhỏ cũng vậy. Tuy nhiên điều này đòi hỏi phải trải qua một thời gian dài mới có thể xây dựng. Sau một thời gian chơi chung với nhau, cảm thấy hợp nhau, trẻ sẽ dễ dàng chia sẻ đồ chơi.
Nhưng không phải lúc nào trẻ cũng sẵn sàng nhường đồ chơi với bạn, dù lần trước có thể trẻ rất vui vẻ chơi cùng nhưng lần này thì không nhất định phải như vậy. Bởi việc giao tiếp giữa trẻ con với nhau hoàn toàn dựa vào sự việc chứ không phụ thuộc vào con người. Vì vậy, nếu trẻ không muốn chia sẻ đồ chơi của mình, ba mẹ cũng không nên quá cưỡng ép.
Dạy con chia sẻ một cách tự nhiên
Ba mẹ có thể tạo ra những trải nghiệm thú vị về việc chia sẻ. Chẳng hạn như khi chia sẻ đồ ăn hay đồ chơi, phụ huynh có thể nói "con một cái, mẹ một cái", hay "con chơi một lát, mẹ chơi một lát rồi tới lượt bố nhé". Như vậy, trẻ sẽ nhận thấy việc chia sẻ cũng như một trò chơi thú vị chứ không phải là sự cưỡng ép hay uy hiếp quyền sở hữu của trẻ với món đồ chơi đó.
Chọn ra những món đồ chơi có thể chia sẻ
Trước khi trẻ ra ngoài, ba mẹ hãy cùng con chọn ra những món đồ chơi mà trẻ có thể chia sẻ cùng người khác. Việc cả hai bên đều có món đồ chơi của mình thì việc chia sẻ mới dễ dàng hơn. Còn khi trẻ có bạn đến nhà chơi, ba mẹ nên cất những món đồ chơi đặc biệt mà trẻ không muốn chia sẻ để tránh những tình huống tranh chấp không vui.
Vài điều chia sẻ trên đây hi vọng sẽ giúp ba mẹ gỡ rối được phần nào những tình huống tranh giành đồ chơi. Dạy trẻ chia sẻ đòi hỏi sự thấu hiểu, tôn trọng và kiên nhẫn của cha mẹ. Hơn nữa ba mẹ cần nắm bắt sự nhạy cảm của từng giai đoạn, để từ đó đưa ra cách dạy thích hợp. Nhớ đừng quên theo dõi các bài viết tại mục Cẩm nang của Mykingdom để tham khảo thêm nhiều thông tin hữu ích khác.